Xây dựng thương hiệu bền vững: Green PR trong doanh nghiệp

Khủng hoảng khí hậu toàn cầu vẫn đang là ưu tiên hàng đầu ở mỗi quốc gia. Đó là lý do vì sao những sáng kiến, giải pháp về môi trường ở bất kỳ lĩnh vực nào đều đang được ưu tiên triển khai. Song song đó, trong lĩnh vực PR, thuật ngữ Green PR (PR Xanh) dần trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm của giới truyền thông, các chuyên gia PR và doanh nghiệp. Green PR tập trung và nhấn mạnh các sáng kiến về sự bền vững mà doanh nghiệp đang nỗ lực thực hiện. Vì vậy, bài viết này sẽ giới thiệu cụ thể hơn về Green PR và trình bày cách doanh nghiệp có thể áp dụng Green PR để trở thành một thương hiệu bền vững. 

Định nghĩa và tầm quan trọng của Green PR 

Green PR (PR Xanh) là một phần thuộc lĩnh vực quan hệ công chúng. Thuật ngữ này bắt nguồn từ “phong trào xanh” (green movement) – một phong trào xã hội toàn cầu tập trung vào việc bảo vệ và duy trì môi trường tự nhiên nhằm giảm thiểu những lo ngại về tác động tiêu cực của con người lên môi trường, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,… Thông thường, các doanh nghiệp triển khai PR xanh nhằm thể hiện trách nhiệm xã hội của mình bằng cách thực hiện những sáng kiến bảo vệ môi trường; từ đó, giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu cải thiện danh tiếng và tăng mức độ nhận diện thương hiệu

Tại Việt Nam, những bước chuyển mình theo xu hướng xanh hoá nền kinh tế bắt đầu rõ nét qua những thể chế mà Chính phủ đặt ra nhằm cụ thể hoá chủ trương phát triển bền vững nói chung và tiêu dùng bền vững nói riêng. Tuy nhiên, với đặc điểm hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn gặp rào cản về nguồn lực cho quy trình chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn. Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ dừng lại ở mức cân nhắc, chưa có những bước triển khai đầu tiên các hoạt động hướng đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Thay vào đó, các doanh nghiệp tiên phong hướng đến sản xuất xanh, phát triển xanh hầu hết là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng và doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu

Có nhiều lý do khác nhau để thuyết phục một thương hiệu nên tập trung vào việc thực hiện các hoạt động PR xanh, tuy nhiên, sau đây là những lý do chính:

  • Tăng cường nhận diện thương hiệu: Việc triển khai những sáng kiến bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp gây ấn tượng với khách hàng của mình. Việc doanh nghiệp cam kết có trách nhiệm với môi trường tác động đến quyết định mua hàng và sử dụng dịch vụ của 62% người tiêu dùng Việt Nam. 
  • Đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng: Người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm hơn đến yếu tố “xanh” và “sạch”, khi có đến 86% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm và dịch vụ đến từ thương hiệu có ảnh hưởng tích cực đến xã hội và môi trường . Chúng ta có thể thấy được ngày nay, công chúng trở nên nhạy bén và quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề về môi trường. Vì vậy, bằng việc ưu tiên thực hiện các hoạt động Green PR, doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu và mong đợi của khách hàng về các sản phẩm, dịch vụ của mình
  • Các quy định và chính sách về bảo vệ môi trường ngày càng nghiêm ngặt: Chính phủ tại các quốc gia đang ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hơn trong các hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt những chiến lược và kế hoạch, và đề ra các nhiệm vụ như giảm cường độc phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hoá sản xuất và thúc đẩy lối sống bền vững. 

Các doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng PR xanh như thế nào để trở thành một thương hiệu bền vững? 

Khi bắt đầu thực hiện những sáng kiến về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp cần tránh “greenwashing” – thuật ngữ chỉ tình trạng các doanh nghiệp cố gắng đưa ra hình ảnh tích cực về bảo vệ môi trường, tuy nhiên, lại không có sự cam kết thực sự trong việc thực hiện những sáng kiến đó. Vì vậy, nếu các chiến dịch bảo vệ môi trường không phản ánh thực tế, mà chỉ dành cho mục đích tiếp thị, đó có thể được coi là một hành vi greenwashing. 

Thay vào đó, các doanh nghiệp cần đưa ra những sáng kiến, cam kết thực sự có ý nghĩa cùng với những hành động thiết thực đến môi trường. Thương hiệu mỹ phẩm Việt – Cocoon là một minh chứng rõ ràng cho trường hợp này. Từ những ngày đầu mới thành lập, yêu môi trường và bảo vệ hệ sinh thái là một trong những cam kết của Cocoon. Thương hiệu mỹ phẩm thuần chay luôn triển khai nhiều hoạt động và chương trình ý nghĩa nhằm kêu gọi xã hội chung tay bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, ví dụ như khuyến khích khách hàng trồng sen đá vào chai/lọ cũ, dùng túi vải thay cho túi nilon, đổi vỏ chai cũ lấy sản phẩm mới,… Bên cạnh đó, Cocoon còn được Leaping Bunny, chương trình cam kết không thử nghiệm trên trên động vật, chấp thuận và nhận được chứng nhận không thử nghiệm trên động vật từ tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật PETA

Tương lai của PR xanh tại Việt Nam

Trong bối cảnh thách thức về môi trường và xã hội ngày càng gia tăng, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Và PR xanh hứa hẹn sẽ ngày càng trở nên quan trọng và phổ biến hơn trong lĩnh vực quan hệ công chúng và truyền thông toàn cầu nói chung, và Việt Nam nói riêng. Những số liệu trên chứng tỏ người tiêu dùng Việt Nam đang đánh giá cao các nỗ lực về bảo vệ môi trường từ các doanh nghiệp.

Nhìn chung, PR xanh không chỉ là một xu hướng nhất thời mà còn là một hướng đi bền vững và quan trọng trong tương lai. Các doanh nghiệp triển khai hiệu quả PR xanh không chỉ tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu, mà còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tạo ra lợi ích kinh tế dài hạn. 

Written by