COVID-19 tác động thế nào đến 4 ngành công nghiệp có mức cầu cao

Trong khi nhiều doanh nghiệp gánh chịu thất bại nặng nề bởi đại dịch COVID-19 thì một số ngành công nghiệp lại vươn lên phát triển do nhu cầu tăng cao của thị trường.

Theo báo cáo vừa qua của Talkwalker – Nền tảng giám sát và phân tích phương tiện truyền thông xã hội, 4 ngành công nghiệp có mức cầu tăng cao đặc biệt trong mùa dịch này là Viễn thông, Y tế, Hàng tiêu dùng đóng gói và Thương mại điện tử. Từ đó, Talkwalker đánh giá COVID-19 đang thay đổi thị trường của các ngành này như thế nào và cách những thương hiệu này đương đầu với khủng hoảng ra sao.

Theo bà Vi Mai, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Truyền thông EloQ Communications, nhiều năm gần đây, người Việt Nam dần chuyển sang mua sắm trên internet. “Nhiều trang thương mại điện tử ra đời và thu hút được lượng lớn người tiêu dùng trẻ. Với tiêu chí đa dạng hóa các loại mặt hàng, nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, kích cầu mua sắm và giao hàng tận nhà, người Việt đã dần thay đổi thói quen mua sắm tại các cửa hàng mà thay vào đó là lướt web và click chuột. Đây là thời cơ để các nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mua sắm trực tuyến thông qua các chiến dịch truyền thông tiếp thị trực quan sinh động để tiếp cận đúng đối tượng khách hàng của mình”.

“Bên cạnh thương mại điện tử thì viễn thông, y tế và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực “ăn nên làm ra” không chỉ trên toàn thế giới mà còn ở Việt Nam trong đỉnh điểm dịch bệnh Corona vừa qua”, bà Tường Vi nói thêm.

Hàng tiêu dùng đóng gói được săn lùng nhiều

Ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, ngoài lương thực, thực phẩm thì khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn là những mặt hàng được săn lùng nhiều nhất. Thế nhưng tại các nước phương Tây như Anh, Mỹ, Úc, giấy vệ sinh là nhu yếu phẩm hàng đầu được người dân tìm kiếm, tích trữ khi dịch bệnh nổ ra. Khi giấy vệ sinh trở nên khan hiếm, việc những người phụ nữ tranh giành đến sứt đầu mẻ trán vì vài cuộn giấy đã trở thành chủ đề nóng hổi được dư luận bàn tán.

Đỉnh điểm là vào ngày 27 tháng 3, có đến 3.700 cuộc trò chuyện trực tuyến bàn về thách thức của việc sản xuất giấy vệ sinh dựa trên nhu cầu tăng mạnh của đại chúng.

Biểu đồ thể hiện mức độ tăng giảm các cuộc trò chuyện về ngành Hàng tiêu dùng đóng gói có liên quan COVID-19 trong tháng 3/2020

Hơn bao giờ hết, người tiêu dùng đang tìm mua những nhu yếu phẩm có giá thành thấp. Với sự gia tăng thất nghiệp, nhà nhà bắt đầu học cách tiết kiệm và vạch ra những bài toán chi tiêu mang tính lâu dài, ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Bên cạnh đó, việc người dân đổ xô tích trữ hàng hóa cũng khiến các siêu thị, cửa hàng tạp hóa làm việc hết công suất. Các thương hiệu đang tích cực sản xuất để trấn an người tiêu dùng, giảm thiểu tác động của vấn đề bổ sung hàng hóa và cân bằng lại chuỗi cung ứng của họ.

Kleenex trấn an người tiêu dùng bằng hình ảnh kho hàng đầy ắp khăn giấy

Cùng với các quốc gia khác, ngay tại Việt Nam mua sắm online dựa báo sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng kéo dài trong tương lai. Người tiêu dùng Việt Nam đang chuyển sang các nhà cung cấp trực tuyến, đặc biệt là đối với những mặt hàng đã trở nên khan hiếm sau khi “cơn bão tích trữ” càn quét.

Từ đó có thể thấy việc giảm giá sẽ trở thành yếu tố thúc đẩy chính cho người tiêu dùng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam cần chủ động giải đáp những câu hỏi về cung – cầu khi mà kênh bán lẻ trực tuyến sẽ là xu thế chính trong năm nay.

Y tế

Trong bối cảnh kinh tế giảm sút thì việc đảm bảo sức khỏe là nỗi lo hàng đầu của mọi người. Đối với các công ty dược phẩm và cung ứng y tế, đại dịch COVID-19 đã khiến họ đẩy mạnh nghiên cứu điều trị và sản xuất những mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, họ cũng đang chịu sự giám sát cao từ công chúng. Những thông tin về y tế hàng ngày được người dân hết mực quan tâm vì họ cảm thấy đó là câu trả lời cho vấn đề sống còn trong tương lai. Các cuộc trò chuyện về các thương hiệu dược phẩm hàng đầu như Bayers, Bristol-Myers Squibb và Pfizer đã tăng hơn 40% trong vòng 30 ngày tính tới đầu tháng 3 năm 2020 và hầu hết đều liên quan đến COVID-19.

Yếu tố được quan tâm hàng đầu hiện nay là tình hình ở các bệnh viện. Mặc dù các nhân viên y tế được ngợi ca là người hùng bởi sự hy sinh và bản lĩnh của họ, thế nhưng tình trạng quá tải tại các đô thị lớn, sự thiếu hụt nhân lực ở nông thôn lại là vấn đề đáng lo ngại. Mối bận tâm lớn tiếp theo là về số lượng khẩu trang y tế và máy thở đang không đủ cung cấp cho nhiều nơi trên thế giới. Một số chủ đề khác cũng được bàn luận nhiều là giá cả và nguồn cung ứng thuốc trong thời gian tới. Nhiều người lo ngại giá thuốc sẽ bị tăng cao, thậm chí một số loại thuốc còn có thể bị hạn chế mua vì thiếu hụt nguồn cung.

Các giải pháp đã được nhiều thương hiệu dược triển khai là giảm các khoản đồng thanh toán, tạo thêm việc làm, tăng tiền thưởng cho những người lao động, cung cấp những thông tin quan trọng và các biện pháp phòng ngừa dịch cho người dân.

Nhìn từ cách quản lý khủng hoảng của hãng Dược CVS Pharmacy tại Mỹ, họ đã thành công với mẫu Tweet thu hút hơn 11.500 tương tác từ công chúng. Đó là một phần của chiến dịch được triển ngay từ khi cơn khủng hoảng vừa bắt đầu. Chiến dịch đề xuất các sáng kiến hỗ trợ khách hàng thông qua việc giao hàng miễn phí theo đơn thuốc, hỗ trợ nhân viên qua các chính sách như nghỉ ốm có lương trong trường hợp dương tính COVID-19, thiết lập các địa điểm xét nghiệm theo hình thức drive-through tại một số bang ở Mỹ.

Mẫu Tweet được hoan nghênh từ tài khoản Twitter của CVS Pharmacy

 

Viễn thông

Viễn thông là ngành công nghiệp có sự tăng trưởng lớn trong cuộc khủng hoảng. Mặc dù đây là kết quả tích cực cho các thương hiệu trong ngành nhưng họ phải đối mặt với việc đáp ứng nhu cầu truy cập mạng ngày càng tăng tại thời điểm này.

Trong thời điểm cách ly xã hội, việc học và làm việc tại nhà yêu cầu sử dụng dịch vụ hội nghị trực tuyến (streaming) đã tạo áp lực lớn lên các nhà mạng. Tuy nhiên hầu hết các thương hiệu đều chủ động trấn an khách hàng và cho biết mọi việc luôn nằm trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, thông báo cung cấp gói dữ liệu không giới hạn từ một số nhà cung cấp dịch vụ mạng lớn của Mỹ như Vodafone, T-Mobile và Spark là đề tài được công chúng quan tâm.

Xu hướng streaming gây áp lực cho các nhà mạng

Một trong những thuyết âm mưu vô căn cứ gần đây nhất xung quanh dịch COVID-19 là về mạng 5G – thế hệ tiếp theo của công nghệ không dây đang dần được phủ sóng trên khắp thế giới. Thuyết âm mưu này cho rằng 5G đang góp phần thúc đẩy đại dịch Corona chủng mới trên toàn cầu. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới đã đính chính đây là thông tin sai lệch nhưng chủ đề này vẫn còn đầy rẫy trên các diễn đàn và trang web cực đoan.

Thương mại điện tử

Thương mại điện tử là một lĩnh vực đang tăng trưởng mạnh trong hai thập kỷ qua. Sự tồn tại lâu bền của Amazon đã phần nào chứng minh giá trị của nền tảng mua sắm trực tuyến. Đến nay, đại dịch Corona lại càng khiến người tiêu dùng ồ ạt chuyển sang mua sắm trên mạng nhằm hạn chế thời gian di chuyển bên ngoài, thể theo lệnh cách ly xã hội được triển khai trên toàn cầu. Hàng loạt những thương hiệu ở Việt Nam trước đây vốn chỉ có cửa hàng mua bán trực tiếp nay cũng chuyển sang giao dịch online để thích ứng với thị trường.

Nhu cầu mua sắm tăng cũng đồng nghĩa nhu cầu về nhân sự cũng tăng theo. Công chúng quan tâm đến công tác bảo hộ cho các nhân viên kho hàng – nhân tố cần thiết để giữ cho các nền tảng thương mại điện tử hoạt động. Điều này khiến các doanh nghiệp chú trọng hơn đến việc đảo bảo an toàn và điều kiện làm việc tốt cho các nhân viên ở kho hàng và vận chuyển.

Mặt khác, nếu như trước đây người dân Việt Nam bị thu hút bởi yếu tố giảm giá, các chương trình khuyến mãi thì nay họ lại quan tâm hơn đến thời gian giao hàng và số lượng hàng đang có sẵn bởi họ nôn nóng có trong tay những mặt hàng mình mong muốn.

Dẫn đầu không đồng nghĩa với việc được tự mãn

Bà Clāra Ly-Le, Giám đốc Điều hành EloQ Communications, cho rằng ngay cả khi thương hiệu đang làm ăn phát đạt trong mùa dịch thì bạn vẫn không nên chủ quan bởi thị trường vẫn luôn biến động. “Các doanh nghiệp cần theo dõi những chủ đề bàn luận của người tiêu dùng để chủ động giải quyết khủng hoảng, thường xuyên cung cấp thông tin cho khách hàng một cách minh bạch, bắt đầu những chủ đề bàn luận không liên quan đến COVID-19 để tìm hướng đi mới tích cực hơn trong tương lai”, bà nói thêm.

Nhằm hỗ trợ các các công ty khởi nghiệp và công ty vừa và nhỏ tìm ra các cơ hội truyền thông và quảng bá thương hiệu phù hợp với từng mức ngân sách khác nhau, EloQ Communications ra mắt dịch vụ tư vấn miễn phí bắt đầu từ tháng 5 năm 2020. Đây là dịch vụ thích hợp với những công ty đang hoạt động tại Việt Nam hoặc những công ty nước ngoài đang mong muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Theo đó, đại diện các doanh nghiệp tham gia sẽ được tư vấn chiến lược, tìm ra cơ hội và giải pháp truyền thông thiết thực để quảng bá thương hiệu. Mỗi phiên tư vấn trực tuyến 1:1 sẽ kéo dài 30 phút vào mỗi sáng thứ 6 hàng tuần. Để đăng kí tham gia tư vấn, các doanh nghiệp chỉ cần hẹn lịch tại https://calendly.com/eloqasia/free-consultation.

 

Tác giả Đăng Nguyễn là nhân viên Truyền thông –PR tại EloQ Communications. Dan đã tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ công chúng và Truyền thông tại Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh và có nhiều kinh nghiệm trong ngành truyền thông do từng làm việc tại Kênh truyền hình HTV3, và Công ty Truyền thông và Giải trí Điền Quân.

Written by