Thời kì chuyển đổi số đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều cơ hội để tương tác trực tiếp và truyền đạt ý kiến đến các thương hiệu. Nhưng điều này cũng dẫn đến sự cạnh trạnh ngày càng gay gắt giữa các thương hiệu trong thị trường. Với tư cách là người đứng đầu doanh nghiệp, bạn cần phải nỗ lực hơn nữa để làm thương hiệu của mình nổi bật và thu hút sự chú ý của khách hàng. Và đó là lúc các chiến dịch thiết kế nhận diện thương hiệu xuất hiện và làm nên điều kỳ diệu.
Theo một bài nghiên cứu của Microsoft, thời gian chú ý của con người hiện nay trung bình là 8 giây. Mỗi một năm trôi qua, con số sẽ lại tiếp tục giảm xuống. Nếu bạn muốn khán giả nhớ đến và có đánh giá tích cực về thương hiệu của mình, thì đừng ngại sáng tạo hết mức có thể với thiết kế nhận diện thương hiệu.
Hãy cùng điểm qua một số chiến dịch nổi bật đã giúp đưa tên tuổi các thương hiệu lên bản đồ thế giới để bỏ túi nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích nhé
1. ‘Just Do It’ của Nike
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng vào giai đoạn đầu, Nike không có tầm ảnh hưởng và lượng người theo dõi lớn như ngày nay. Ngay cả biểu tượng mang tên Swoosh của Nike cũng không hề phổ biến vào lúc đó. Thực ra, thiết kế logo của Nike mà bạn biết bây giờ khá là khác so với logo dạng chữ trước đây của thương hiệu này. Vào đầu thập niên 1980, công ty nhận ra rằng thiết kế logo của mình cần phải đổi gió.
Mọi chuyện thay đổi khi Nike ra mắt câu tagline đặc trưng của mình ‘Just Do It’, kèm với biểu tượng Swoosh ngay bên dưới tên. Chiến dịch thiết kế nhận diện thương hiệu của Nike nhanh chóng bùng nổ và đưa công ty trở thành một cái tên hàng đầu thế giới. Slogan đáng nhớ của Nike ngay lập tức được nhận ra ở bất cứ đâu và được coi là một trong những phương châm đầy cảm hứng.
Bài học rút ra: Chiến dịch thiết kế nhận diện thương hiệu của Nike đã truyền cảm hứng cho không ít bài phân tích và nghiên cứu trong lĩnh vực marketing. Một trong những bài học quan trọng chính là chỉ cần thiết kế logo đơn giản và ý nghĩa cũng đủ đem lại hiệu ứng tốt. Một sai lầm phổ biến trong thiết kế logo mà các thương hiệu thường mắc phải là nhồi nhét quá nhiều yếu tố thiết kế như hình vẽ, biểu tượng và văn bản.
Điều này có thể khiến người xem choáng ngợp và khiến họ không chú ý đến thông điệp cốt lõi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng học được rằng những slogan hoặc tagline sáng tạo đóng vại trò rất lớn trong việc tăng độ nhận diện của thương hiệu.
2. ‘Bélo’ của Airbnb
Rất nhiều người có thể không biết logo của AirBnB cũng có tên riêng – Bélo. Công ty đã giới thiệu thiết kế nhận diện thương hiệu mới vào năm 2014, và đặt tên logo là Bélo như một cách thay lời muốn nói với khán hàng. ‘Belo’ đơn giản chỉ là từ dùng để biểu tượng sự thân thuộc, điều mà công ty muốn đem lại cho người dùng.
Với thiết kế logo mới của mình, Airbnb đã truyền tải các giá trị cốt lõi với khán giả một cách hiệu quả, cũng như tạo nên kết nối cảm xúc với họ. Mục đích đằng sau việc đặt tên cho logo của Airbnb chính là lan tỏa cảm giác gần gũi, thuộc về khi mọi người mở cửa tiếp đón những hành khách xa lạ.
Bài học rút ra: Xây dựng tình cảm gắn kết với người dùng, và đem đến cho họ những điều tích cực mà họ dễ dàng đồng cảm là việc rất quan trọng.
3. ‘Shot on iPhone (Ảnh chụp từ iPhone)’ của Apple
Không có gì ngạc nhiên khi gã khổng lồ công nghệ có lượng lớn khách hàng trung thành, và đang sở hữu một trong những biểu tượng logo dễ nhận biết nhất trên thế giới. Hình ảnh ‘quả táo cắn dở’ dễ dàng được tìm thấy ở mọi nơi trên thế giới, và công ty đã nỗ lực rất nhiều để đạt được vị trí đó. Bên cạnh việc làm nổi bật các giá trị đổi mới và sáng tạo của thương hiệu, thì logo của Apple cũng tượng trưng cho sự sang trọng và tinh tế. Đó là điều mà chiến dịch ‘Shot on Iphone’ của công ty muốn hướng đến.
Với sản phẩm của Apple, người dùng có thể tự tin rằng họ đang sở hữu sản phẩm tốt nhất trên thị trường, và xem đó là một cách để thể hiện đẳng cấp. Apple đã chạy một chiến dịch trên mạng xã hội để kêu gọi mọi người đăng ảnh chụp từ camera iPhone của mình. Chiến dịch này thu hút sự chú ý đến chất lượng hình ảnh cũng như các tính năng khác của máy ảnh mà người dùng Applec có thể tận hưởng.
Bài học rút ra: Chiến dịch đã thu được khoảng 6,5 tỷ lượt hiển thị trên các mạng xã hội và nội dung do người dùng tạo (UGC) cũng xuất hiện trên các biển quảng cáo. Một trong những bài học quan trọng nhất mà ta học được chính là hãy tận dụng sức mạnh của những kênh có sức hút cao như mạng xã hội để tăng độ nhận biết về các sản phẩm mới. Với chiến dịch này, tên tuổi của Apple thậm chí còn trở nên phổ biến hơn đối với nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi.
Nguồn: digitalagencynetwork.com
4. ‘What Moves You, Moves Us (Động lực của bạn cũng là động lực của chúng tôi)’ của Uber
Vào năm 2019, ứng dụng đặt xe công nghệ đã gây ra không ít luồng tranh cãi khắp nơi trên thế giới. Tài xế của Uber yêu cầu được trả tiền lương cao hơn và phản ánh về điều kiện làm việc đầy thách thức. Vì thế, Uber đã cho ra đời các tính năng mới trong ứng dụng với chiến dịch ‘What Moves You, Moves Us’. Thiết kế ứng dụng đã có những cập nhật mới để cho phép người lái xe theo dõi các khoản thanh toán của khách hàng và quản lý các chuyến đi của họ ngay cả khi kết nối mạng kém.
Bài học rút ra: Chiến dịch của Uber đã minh chứng rằng việc sử dụng slogan giàu tính sáng tạo và cảm xúc cũng là một cách hiệu quả để thay đổi nhận thức của mọi người về thương hiệu
5. ‘Social Distancing (Giãn cách xã hội)’ của Audi
Trong vài năm gần đây, không ít các thương hiệu tham gia vào các vấn đề xã hội, từ đó gửi thông điệp mạnh mẽ gắn liền với thương hiệu của họ. Điển hình như Audi đã tạm thời thay đổi logo của mình để trở nên “hợp thời” hơn trong bối cảnh đại dịch. Nhà sản xuất dòng ô tô cao cấp này đã phát động một chiến dịch trên mạng xã hội cũng như các trang web khác nhau nhằm kêu gọi mọi người thực hiện giãn cách xã hội. Audi đã tách bốn vòng tròn vốn nổi tiếng gắn liền với nhau nhằm tôn vinh những giá trị cốt lõicủa thương hiệu.
Bài học rút ra: Nếu ta có thể nắm bắt đúng xu thế và tận dụng thiết kế nhận diện thương hiệu để tạo dấu ấn, thì sẽ được người dùng ưu ái nhớ đến nhiều hơn.
Tạm kết
Bài viết trên đã tổng hợp một số chiến dịch xây dựng thương hiệu nổi bật để lại cho tất cả chúng ta nhiều bài học quan trọng. Những chiến dịch này đã lan truyền cảm hứng và tạo ra những xu hướng mà các doanh nghiệp có thể ứng dụng trong kế hoạch quản trị thương hiệu và tiếp thị.
Về thông tin tác giả
David Anderson tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành marketing. Ông có nhiều kinh nghiệm về thiết kế truyền thông và đã giúp không ít thương hiệu đạt được mục tiêu trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị. Hiện tại, ông đang làm freelancer viết cho nhiều khách hàng với các chủ đề liên quan đến thiết kế nhận diện thương hiệu, truyền thông thị giác và tiếp thị.
You must be logged in to post a comment.