Triển khai chiến dịch digital marketing thế nào để thúc đẩy doanh số

Ở kỳ trước, chúng ta đã tìm hiểu cách triển khai chiến dịch digital marketing để branding. Một khi đã xây dựng được thương hiệu nổi bật trong tâm trí khách hàng, các nhãn hàng có thể triển khai tiếp các chiến dịch digital marketing để quảng bá sản phẩm, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sales.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu cách chuẩn bị, triển khai và đo lường để có được một campaign digital marketing bán hàng hiệu quả nhất.

1. Mục tiêu

Cũng như tất cả các marketing campaign khác, bạn cần xác định mục tiêu trước khi bắt đầu. Mục tiêu cần đạt chuẩn SMART và đặc biệt là phải có chi phí hoặc mục tiêu doanh thu cụ thể.

Sau khi xác định những yếu tố trên, bạn cần cân nhắc cách chạy quảng cáo. Digital marketing có nhiều loại khác nhau từ thu thập dữ liệu (để remarketing hoặc direct marketing), tăng tương tác, hoặc kêu gọi khách hàng click vào cửa hàng trực tuyến của nhãn hàng… Tất cả đều phục vụ cho mục đích tăng sale theo cách khác nhau. Hãy dựa vào số liệu và insight trong quá khứ để quyết định cách chạy nhé.

Cuối cùng, hãy xem xét những thuật ngữ cơ bản sau để quyết định ngân sách cho chiến dịch.  

  • Action: hành động tương tác của khách hàng sau khi xem mẫu quảng cáo sản phẩm/ dịch vụ như tổng số tin nhắn gửi vào inbox, tổng số cuộc gọi đến hotline…
  • Cost per action: chi phí trung bình để được một lượt tương tác (bằng tổng ngân sách chia tổng lượng tương tác).
  • Lead: thông tin khách hàng để lại sau một Action bao gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ email… Lead cần được xử lý nhanh chóng, tránh để thời gian đợi lâu ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
  • Cost per lead: chi phí trung bình để thu về một Lead.
  • Cost per sale: chi phí trung bình để chốt một giao dịch. Đây là con số quan trọng nhất và bạn có thể quyết định budget của campaign (bằng cost per sale x số lượng sale bạn đang nhắm tới).

2. Chuẩn bị

Tệp khách hàng mục tiêu (target audience) cũng là yếu tố rất quan trọng. Nhắm trúng đối tượng thì bạn sẽ tăng đáng kể khả năng chuyển đổi sale. Nếu chưa có tệp khách hàng từ các chiến dịch trước, bạn cần nghiên cứu, liên hệ với kinh nghiệm bản thân và những người xung quanh để tạo tệp. Ngoài những yếu tố cơ bản như nhân khẩu học và vị trí địa lý, một digital marketer giỏi sẽ rất chú ý đến sở thích và hành vi của khách hàng để áp dụng vào campaign. Chẳng hạn, khi chạy quảng cáo cho chương trình khuyến mãi năm mới ở phòng gym, hãy đánh vào những người đang tìm kiếm chế độ ăn lành mạnh hay thích các trang chứa thông điệp thay đổi bản thân… thay vì chỉ tập trung vào những khách hàng thích tập gym.

Tiếp đó là chuẩn bị content. Đây có thể là hình ảnh hoặc video có định dạng ngắn kèm với tiêu đề và đoạn giải thích/miêu tả. Bạn nên chuẩn bị khoảng 20 mẫu quảng cáo để test dần trong suốt chiến dịch. Nhiều số liệu sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát hơn để tối ưu những content hiệu quả.

Và để mang đến trải nghiệm mua hàng xuyên suốt, đừng quên chuẩn bị kĩ các khâu tiếp theo như tư vấn viên nhanh nhẹn, trang đích mượt, hệ thống quản lý đơn hàng tốt… Tốn công dẫn khách đến điểm cuối rồi mà để vọt mất thì uổng lắm!

3. Thời điểm triển khai

Trong nội tại doanh nghiệp, những thời điểm cần quảng cáo tăng doanh số bao gồm: khi ra mắt sản phẩm mới, khi chạy chương trình khuyến mãi, khi sắp tổ chức sự kiện tại điểm bán hay tri ân khách hàng… Các dịp lễ trong năm, khi nhiều nhãn hàng đều tung ra các chiến dịch khuyến mãi cũng là lúc cần chạy quảng cáo, chẳng hạn, năm mới, Tết Âm lịch, Quốc tế phụ nữ, Black Friday hay mùa sales cuối năm… Tuy vậy, vào những thời điểm này, giá thầu quảng cáo thường cao, đòi hỏi bạn phải cân đối bài toán chi phí.

Ngoài ra, thời điểm cuối tháng cũng là lúc bạn nên chạy quảng cáo vì khách hàng sẽ bắt đầu có mong muốn mua sắm khi sắp nhận lương.

4. Thông điệp, thiết kế quảng cáo

Nội dung các mẫu quảng cáo digital cần ngắn gọn, súc tích với những câu đơn để khách hàng có thể nắm rõ nội dung mà trong vài giây. Tương tự, với mẫu quảng cáo video, hãy cố gắng truyền tải thông điệp quảng cáo ngay trong 3s đầu tiên trước khi khách hàng bỏ qua và xem nội dung khác.

Viết thông điệp quảng cáo để bán hàng hiệu quả yêu cầu cả về nghệ thuật lẫn khoa học. Thông điệp cần tâm lý, khéo léo giải quyết “nỗi đau” của khách hàng, chứa các lợi điểm độc đáo về sản phẩm, dịch vụ trong ít chữ nhất có thể.  Ngoài ra, bạn nên nghiên cứu thêm về các “từ khóa” trên Google Trends và khéo léo lồng ghép vào mẫu quảng cáo để tăng độ hiệu quả.

Về thiết kế, hãy nghiên cứu định dạng chuẩn của mẫu hình ảnh, video quảng cáo trên từng nền tảng khác nhau (Facebook, YouTube, Instagram, TikTok…), điều này sẽ giúp mẫu quảng cáo được hiển thị tốt nhất.

5. Hình thức quảng cáo

Tuy có nhiều công cụ digital marketing khác nhau, hãy tùy vào mục tiêu trong từng giai đoạn = chiến dịch để chọn công cụ phù hợp. Chẳng hạn:

+ Facebook Ads: phù hợp để chạy inbox, lead form, dẫn về landing page hay call to action

+ Google Ads: quảng cáo từ khóa hay Google shopping

+ Instagram và TikTok: phù hợp với những thương hiệu nhắm đến người trẻ, năng động nhưng còn khá mới đối với các digital marketer tại Việt Nam.

6. Đo lường

Một digital marketer giỏi cần có khả năng tối ưu quảng cáo. Mỗi ngày, bạn hãy dành thời gian xem và phân tích những chỉ số sau:

  • CTR thể hiện số lượt click vào mẫu quảng cáo. Có thể bắt đầu theo dõi chỉ số này khi mẫu quảng cáo đã tiếp cận được tối thiểu 2.000 người. CTR được coi là an toàn nếu đạt từ 5% trở lên. Nếu thấp hơn con số này, hãy cân nhắc thay mẫu quảng cáo khác.
  • Frequency là tần suất mà khách hàng nhìn thấy mẫu quảng cáo trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch. Đôi khi, bạn sẽ nhìn thấy một mẫu quảng cáo nhiều lần trên newsfeed của Facebook, số lần nhìn thấy này chính là Frequency. Những lần hiển thị lại này giúp nhắc nhớ khách hàng về sản phẩm, dịch vụ sau khi nhìn thấy mẫu quảng cáo lần đầu tiên và vẫn còn cân nhắc mua. Tuy vậy, hãy cẩn thận và thay mẫu quảng cáo khác nếu quảng cáo của bạn hiển thị nhiều mà không làm phát sinh doanh thu.
  • CPM là chỉ số tiếp cận. Khi CPM tăng, tỉ lệ tiếp cận giảm, kéo theo, tỉ lệ khách hàng được tiếp cận thông tin cũng giảm. Cuối cùng, hiệu quả chiến dịch digital marketing sẽ thể hiện rõ ràng nhất ở tổng số lượt inbox, tổng số lead và cuối cùng là doanh thu thu được.

Đến đây, có lẽ các bạn đã có cái nhìn tổng quát về một chiến dịch digital marketing. Đây là một hành trình thử và sai mà ở đó, những digital marketer phải liên tục tối ưu nội dung, kiểm soát chi phí để thu về hiệu quả doanh thu. Có thể nói, trong nhiều kênh marketing khác nhau, kênh digital rất đáng được cân nhắc sử dụng bởi khả năng giúp nhãn hàng tiếp cận đúng đối tượng có nhu cầu với chi phí hợp lý.

Lý thuyết là vậy, nhưng vấn đề là làm sao để đạt được hiệu quả thực sự. Để đảm bảo sự thành công của chiến dịch digital, các thương hiệu nên hợp tác với digital marketing agency nếu không có nguồn lực nội bộ. Với nhiều kinh nghiệm thực thị các chiến dịch digital marketing cho nhiều khách hàng ở đa dạng lĩnh vực, EloQ Communications tự tin sẽ đem lại các chiến dịch hiệu quả và những chỉ số đo lường ‘biết nói’ dành cho khách hàng.

Bài được viết bởi Scott Nguyễn, PR & Communications Manager tại EloQ Communications. Tin rằng kiến thức rộng rãi sẽ đem lại nhiều lợi ích, Scott đã dành thời gian khám phá ngành truyền thông từ nhiều khía cạnh. Trong quá trình làm việc tại EloQ, Scott đã dẫn dắt nhóm quản lý dự án thực thi thành công các chiến dịch cho gã khổng lồ công nghệ Grab, hãng xe hơi cao cấp Ferrari, v.v.

Written by